Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Chọn lưới cho vợt cầu lông

Sau khi "tậu" được một cây vợt cầu lông như ý, giờ đến lượt ta phải chọn mua lưới đan vợt. Ngoại trừ những cây vợt đồ chơi để cho ... con nít đánh (!), những cây vợt cầu lông "thứ thiệt" (dù là loại để cho 'dân" nghiệp dư chơi) cũng dành riêng phần lưới cho người chơi chọn. Không chỉ chọn lưới thích hợp, người chơi cũng chọn căng lưới ở một sức căng nhất định phù hợp với khả năng chơi của mình. Chính vì sự "rất riêng" đó không bao giờ ngoài tiệm có cây vợt cầu lông đan sẵn lưới để bán.


Chọn lưới và căng lưới cũng là một việc quan trọng khi ta chơi cầu lông. Suy cho cùng ta đánh trái cầu không phải bởi vợt mà bởi ... lưới! Ta sẽ thử tìm hiểu đôi chút về lưới của vợt cầu lông.

1/ Vài nhãn hiệu lưới cầu lông nổi tiếng
1. ASHAWAY
Hãng được thành lập năm 1824 chuyên sản xuất ... dây câu cá!. Từ năm 1949, hãng Ashaway bắt đầu sản xuất lưới đan vợt cầu lông.
Hãng Ashaway có năm loại dây: ZyMax Competition, MicroLegend Competition, MicroPower Competition, PowerGut Competition và Rally Classic. Thông tin chi tiết xem tại đây.
ashaway string
2. YONEX
Hãng Yonex có các dòng lưới: BGxx, BGxxTi (có thêm sợi Hydro Titanium), BGxxPRO và NBGxx (có thêm sợi Nano Carbon). Thông tin chi tiết xem tại đây.
yonex string
Trong đó:
- R (repulsion power): sức mạnh đánh trái cầu;
- D (durability): độ bền;
- HS (hitting sound): tiếng đánh nghe được;
- S (shock absorption): giảm chấn;
- C (control): kiểm soát đường cầu.
2/ Các loại lưới cầu lông
Có hai loại lưới vợt cầu lông:
Loại có nguồn gốc tự nhiên (natural guts material): Lưới làm từ ruột của bò, được xử lý hoá học, sau đó bện xoắn lại với nhau. Ưu điểm: giúp người chơi có "cảm giác" cầu tốt hơn, kiểm soát động tác tốt hơn và tạo cho cú đánh có sức mạnh hơn. Khuyết điểm: kém đàn hồi, không bền (do rất dễ bị ẩm) và đắt. Ngày nay loại lưới này ít phổ biến.
Loại có nguồn gốc nylon tổng hợp (synthetic material). Gần như ngày nay người ta chỉ dùng loại lưới tổng hợp vì rẻ, sản xuất được số lượng lớn. Các loại lưới "hảo hạng" cũng có đặc tính không kém lưới có nguồn gốc tự nhiên.
Cấu tạo của lưới gồm ba phần:
Core (lớp lõi): Tạo nên sự chắc chắn (stiffness) và đàn hồi (resiliency) của lưới. Chính lớp lõi tạo nên sức mạnh của lưới.
Có ba loại lõi:
monofilament (đơn lõi): Chỉ có một sợi lõi duy nhất (giống như hình ảnh sợi dây câu). Ngày nay ít được sử dụng trong cầu lông).

multifilament (đa lõi): Gồm cả ngàn sợi nhỏ bện lại với nhau.
microfilament (vi lõi): Cũng gồm cả ngàn sợi nhỏ bện lại với nhau, nhưng những sợi nhỏ này còn "mịn" hơn nữa. Kết quả là lưới microfilament có thể có kích thước nhỏ hơn lưới mulitifilament 10% (đưa đến việc lưới ít cản gió, người chơi có thể đánh trái cầu nhanh và mạnh hơn).
Outer (lớp vỏ): Tạo nên sự che chở chủ yếu, chống mài mòn cho lớp lõi. Lớp vỏ này cũng giúp tăng sự kiểm soát tiếp xúc với cầu.
Lớp vỏ này có thể cấu tạo dưới hai hình thức:
Quấn chồng nhau quanh lớp lõi (braided): Hình thức này làm bề mặt lưới có vẻ gồ ghề hơn và giúp "chạm" cầu nhiều hơn.
Xoắn quanh lớp lõi (twisted); Hình thức này làm bề mặt sợ dây "mịn" hơn và giúp dễ thao tác xỏ giây hơn.
Hai hình thức lớp vỏ ngoài này khác nhau ở chỗ, lớp kiểu twisted khi có một vài sợi nhỏ bị tưa (đứt) ra, lưới sẽ mau chóng đứt ngay sau đó. Trong khi đó với lớp kiểu braided, dù có một vài sợi bị tưa (đứt) ra, nhưng do cấu trúc lớp chồng lớp (over-under-over design), gài những sợi lại với nhau nên nói chung, lưới còn có thể "cầm cự" được thêm một thời gian.
Coating (lớp phủ): Cũng giúp tăng cường sự chống mài mòn. Ngoài ra lớp phủ tạo nên vẻ bên ngoài và những "sắc thái" bắt mắt cho từng nhãn hiệu.
3/ Khi chọn và đan lưới ta cần quan tâm những thông tin gì?
Có lẽ hai thông tin quan trọng hơn cả là: số gauge và sức căng của lưới.
1. Số Gauge: Thông số chỉ độ dày (đường kính sợi) của lưới. Số gauge càng nhỏ thì đường kính sợi lưới càng lớn, nghĩa là lưới càng dày. Các thông số gauge 20, 21, 22 thuộc loại standard. Trong khi các gauge 20 micro, 21 micro thuộc loại "biến thể" thêm.
Cũng cần lưu ý là đường kính của dây ở trên là khi chưa đan. Khi đan vào vợt và bị kéo dãn đường kính thực của dây khi đó sẽ giảm chút ít. Lưới dày (số gauge nhỏ) thì bền hơn lưới mỏng (số gauge lớn).
Số gauge ảnh hưởng thế nào đến việc đánh cầu? Dây có số gauge nhỏ, đường kính dây lớn, sẽ chịu sức cản gió nhiều hơn, và do đó động tác đánh vợt chạm cầu sẽ chậm hơn. Ngược lại, dây có số gauge lớn, đường kính dây nhỏ, sẽ chịu sức cản gió ít hơn; kết quả là động tác đánh vợt chạm cầu nhanh hơn. Trên thực tế bạn có thấy sự khác biệt này không? Tôi thì tôi không thấy vì tôi chỉ là "dân ngiệp dư". Nhưng tôi tin các vận động viên chuyên nghiệp, nhất là những người ở đẳng cấp cao nhận thấy rõ điều này. Vậy thì dây có đường kính lớn (số gauge nhỏ) có lợi gì? Các dây có đường kính lớn thường bền hơn. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ... túi tiền của bạn!
Do vậy câu đầu tiên người bán hay hỏi khi bạn đi mua lưới cầu lông là "Mua dây loại nào? BG65 hay BG66?" Dây "loại" nào chính là muốn nói đến số gauge và kiểu lõi.
Tuy nhiên với hãng Yonex, số gauge cũng chính là số đường kính sợi (xem bảng ở dưới).
LướiThuộc nhómGauge/Đường kính
BG80Highrepulsion (sức mạnh)0.68mm
BGBG66Highrepulsion (sức mạnh)0.66mm
BG66UMHighrepulsion (sức mạnh)0.65mm
NBG98Highrepulsion (sức mạnh)0.66mm
BG65TiDurability (bền)0.70mm
BG70PRODurability (bền)0.70mm
NBG95Durability (bền)0.69mm
BG65Durability (bền)0.70mm
BG85High Hitting Sound (tiếng đập lớn)0.67mm
BG66TiHigh Hitting Sound (tiếng đập lớn)0.68mm
"Đan bao nhiêu ký?" sẽ là câu hỏi tiếp theo. Khi căng lưới vào vợt cần phải kéo căng đến một mức nào đó. Sức căng của lưới khi đó được đo bằng kilogram hay pound (thể hiện trên máy đo). Nên căng bao nhiêu thì vừa? Không có câu trả lời chung phù hợp cho tất cả mọi người, dù rằng với các loại lưới phổ biến hiện nay, mức sức căng thường dùng là 15-24 pound (lb), tức là vào khoảng xấp xỉ 7-12 ký (tính tròn số). Số "ký" nhỏ tức là lưới đan ít căng; còn số "ký" lớn tức là lưới đan rất căng.
800x456Stringing Machine
Sức căng của lưới thì ảnh hưởng thế nào đến việc đánh cầu. Một cách vắn tắt, người ta thể hiện sự liên hệ giữa "sức căng" với "sự khéo léo" và "sức mạnh" trong đánh cầu như sau:
Higher Tension = More Control (sức căng của lưới lớn hơn đồng nghĩa với việc kiểm soát đường cầu tốt hơn);
Lower Tension = More Power (sức căng của lưới ít hơn, đồng nghĩa với việc đánh cầu có sức mạnh hơn).
Một bảng tóm tắt khác liên quan đến độ căng / chùng của lưới:
string tension
Tại sao lại như vậy? Lưới đan chùng (sức căng thấp) sẽ giãn nhiều hơn khi tiếp xúc trái cầu. Ngay sau khi chạm vào trái cầu lưới co lại độ dài cũ của nó. Chính sự co ngay của lưới đã "tiếp thêm sức mạnh" cho cú đánh, ngoài sức mạnh của người đánh! Trong khi đó, với lưới đã đan rất căng, sự giãn rồi co của lưới là rất ít. Do đó sức mạnh của cú đánh gần như chỉ tùy thuộc sức mạnh của người chơi, chứ không có "sức mạnh được tiếp thêm" từ lưới. Tuy nhiên trong trường hợp này, vì "mọi việc" đều tùy ở người chơi nên điều đó cũng đồng nghĩa người chơi hoàn toàn kiểm soát cú đánh của mình, điều khiển được đường cầu và hướng cầu.
Dưới đây là bảng tổng hợp sự liên quan giữa sức mạnh của cú đánh (power), sự kiểm soát đường cầu(control) và độ bền của lưới (durability) khi phối hợp các trường hợp gauge và tension khác nhau. Chọn "kiểu" nào là tùy sự ưa thích / mong muốn của bạn. badminton string tension
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào khả năng chơi của bạn (mới biết chơi-novice, chơi khá-intermediate, hay chơi giỏi-advanced), hãng Ashaway đề xuất sự lựa chọn sau:
badminton string choice-skill
Ngoài ra, sự chọn lựa dây đan vợt còn tùy thuộc một số yếu tố phụ nữa như nhiệt độ không khí, độ ẩm môi trường và loại cầu đánh (cầu nhựa hay cầu lông).
badminton string choice
4/ Cách đan lưới
Để tránh tác động co kéo lưới khi bị đứt (có thể làm gãy khung vợt), người ta phân ra sợi lưới đan theo chiều dọc (song song với thân vợt), và sợi lưới đan theo chiều ngang (vuông góc với thân vợt).
yonex stringing
Cũng nên chú ý rằng, các hãng vợt khác nhau (thậm chí các "dòng" vợt khác nhau trong cùng một hãng) có thể có các hướng dẫn xỏ dây khác nhau. Ví dụ ở trên chỉ áp dụng cho một số dòng vợt cũa hãng Yonex.
Video clip

By Đậu Đình Ân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét